Tuesday, October 27, 2015

Cách cai thuốc lá bằng mật ong

Phần đông những người lệ thuộc vào thuốc lá ít quan tâm rằng mật của ong là một trong những bí truyền giúp cai thuốc lá rất hiệu quả. Hiện nay thuốc lá là một trong những loại thuốc kích thích nguy hiểm tới tính mạnh con người, làm sao cai thuốc lá là mong ước của rất nhiều người. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn cách cai thuốc lá với mật ong

Cách đây trên 2 thế kỷ, một vị bác sĩ đã đưa ra phương pháp vi lượng đồng căn với 3 nguyên tắc: dùng độc trị độc (như dùng nọc ong đốt sưng lên để chữa các bệnh sưng tấy); dùng thuốc vi lượng; dùng thuốc trên cơ thể người bình thường, nhằm mục tiêu ngừa bệnh . Bản thân ông cũng đã dùng nọc ong với liều thấp để chữa trị các bệnh sưng tấy, đau đớn có kết quả tốt.

Tổ chức Y tế Thế giới từng khuyến cáo nên dùng các loại thuốc vi lượng đồng căn cho một số bệnh thông thường như đau bụng, cảm cúm, ho, sốt cao... Các phương thuốc này được ví như "chìa khoá nhỏ để mở cánh cửa lớn" hay "phương tiện tốt nhất trong việc chống lại độc tố trong người". Các sách chỉ dẫn về liệu pháp vi lượng đồng căn có giới thiệu nọc ong để chữa các bệnh thông thường rất tốt.



Qua thực tế nhiều năm dùng nọc ong mật với liều vi lượng để chữa bệnh, các thầy thuốc phát hiện ra nọc ong có tác dụng tốt cai nghiện thuốc lá. Chất gây nghiện trong thuốc lá là chất nicotin. Khi được hít vào phổi, nicotin thâm nhập vào máu đưa lên não bộ rồi ở lại trong tuyến yên, làm tăng thèm muốn hút thuốc. Thiếu thuốc, người nghiện cảm thấy nhạt mồm, buồn bực, khó chịu trong người, khi hút vào thấy tinh thần minh mẫn thoải mái. Chính vì thế, nhiều người nghiện thuốc lá lâu năm không muốn bỏ. Khi thấy sức khoẻ sa sút hay mắc bệnh, họ mới thấy bỏ thuốc là quan trọng. Đôi khi người ta tự bỏ, người thì dùng kẹo. Cũng có thể sử dụng theo cách sau:

Những người mới nghiện thuốc lá: Uống tổ hợp mật ong pha với chanh hoặc quất và nước lọc, tỷ lệ: 1 thìa cà phê mật ong + 1/2 quả quất hoặc chanh + 5 thìa nước đun sôi để nguội. Sử dụng trước khi bạn thấy muốn hút 1 điếu thuốc lá với số lượng 5-10 cốc/ngày. Mật ong sau khi vào cơ thể sẽ vào máu, lên não, giải các độc tố nicotin trong não người nghiện. Cơ thể sẽ quen dần với chất ngọt ngon của mật ong thay vì chất khét đắng của thuốc lá. Sau 15 uống hỗn hợp trên, bạn sẽ cắt dần lượng thuốc lá hút cho đến khi bỏ hoàn toàn (lưu ý: không dùng liệu pháp này cho người bệnh tiểu đường).


Những người nghiện thuốc lá nặng trên 10 năm: Ngoài cách sử dụng hỗn hợp mật ong, cần cho ong đốt 3-5 con/ngày vào các huyệt bách hội, thiên đột, phế du. Nọc ong sẽ triệt tiêu chất nicotin trong não người nghiện thuốc lá và sau một thời gian.

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe


Trong khói thuốc lá chứa hơn 4000 loại hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Người ta chia ra 4 nhóm chính:

I. Thành phần, độc tính của thuốc lá

Trong khói thuốc lá chứa hơn 4000 loại hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Người ta chia ra 4 nhóm chính:

1. Nicotine:

Nicôtine là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi thuốc khi tiếp xúc với không khí. nicôtine được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg nicôtin mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá đưa nicôtin một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít vào.

Cơ quan Kiểm soát Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicôtin vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện chủ yếu, tương tự như các chất ma tuý Heroin và Cocain. Tác dụng gây nghiện của nicôtin chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương với sự có mặt của các thụ thể nicotine trên các cấu trúc não. Chất alcaloide này tác động lên các thụ thể ở hệ thống thần kinh với chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Dopamin là một hoá chất chính trong não điều chỉnh mong muốn sử dụng các chất gây nghiện, gây bài tiết adrenaline (nhịp tim nhanh, co mạch ngoại vi, ức chế co bóp và chế tiết dịch vị dạ dày). Tuy nhiên trong cơ thể nicôtin sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành cotinin và thải trừ ra nước tiểu.

2. Monoxit carbon (khí CO)

Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20 lần oxy. Với người hút trung bình 1 bao thuốc mỗi ngày thì hàm lượng hemoglobine khử có thể tới 7-8%. Sự tăng hemoglobine khử làm chuyển dịch đường cong phân tách oxy-hemoglobin dẫn đến giảm lượng oxy chuyển đến tổ chức gây thiếu máu tổ chức và có lẽ góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

Hút thuốc lá gây ung thư răng miệng

3. Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá

Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.

4. Các chất gây ung thư

Trong khói thuốc lá có trên 40 chất trong số đó gồm cả các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene có tính chất gây ung thư. Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.

5. Định nghĩa khói thuốc

Có 3 kiểu khói thuốc: dòng khói chính, dòng khói phụ và khói thuốc môi trường. Dòng khói chính (MS) là dòng khói do người hút thuốc hít vào. Đó là luồng khí đi qua gốc của điếu thuốc. Dòng khói phụ (SS) là khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy toả ra vào không khí, nó không bao gồm phần khói thuốc do người hút thở ra. Khoảng 80% điếu thuốc là cháy bỏ đi. Khói thuốc môi trường (ETS) là hỗn hợp của dòng phói phụ và khói thở ra của dòng khói chính cũng như các chất tạp nhiễm khuếch tán qua giấy quấn thuốc lá và đầu điếu thuốc giữa các lần hút

ETS rất giống với MS: nó bao gồm hơn 3.800 loại hoá chất. Điều đáng ngạc nhiên là SS có nhiều hỗn hợp gây ung thư mạnh hơn MS. Điều này là bởi vì SS thường bị tạp nhiễm hơn MS. SS cũng khác với MS ở chỗ các sản phẩm độc có thể tồn tại dưới dạng khác ví dụ nicotine chủ yếu ở dạng hạt rắn trong khói dòng chính, nhưng lại ở dạng khí trong khói thuốc môi trường

Kích thước các hạt phân tử rất khác nhau ở các loại khói thuốc khác nhau. Kích thuớc các phân tử rắn dao động trong khoảng từ 0,1-1 micromet trong dòng khói chính, nhưng từ 0,01-1 micromet trong dòng khói phụ. Khi dòng khói phụ bị pha loãng hơn thì kích thước các hạt trở nên nhỏ hơn. Vì kích thước các hạt trong dòng khói phụ nhỏ hơn nên nó vào sâu hơn trong tổ chức phổi. (Theo như định nghĩa thì kích thước các hạt trong môi trường khói thuốc cũng nhỏ hơn trong dòng khói chính).

II. Các nguy cơ gây bệnh của hút thuốc lá

Vai trò gây bệnh của hút thuốc đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút 01 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch…. Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút trung bình với đơn vị là bao/năm tính bằng cách lấy số bao thuốc hút trung bình hàng ngày nhân với số năm hút (số lượng thuốc hút bao/năm càng lớn thì nguy cơ càng cao) và thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn.

A. Hút thuốc và các bệnh ung thư

Ở Mỹ có nhiều nghiên cứu về sự liên quan giữa sử dụng thuốc lá và ung thư đã được tiến hành , các nghiên cứu này ước tính rằng khoảng một phần ba trong tổng số người chết vì ung thư liên quan tới sử dụng thuốc lá. Thuốc lá gây ra xấp xỉ 90 % tổng số người chết vì ung thư phổi và hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng.

1. Ung thư phổi

Cách đây gần 50 năm Doll và Hill đã chỉ ra rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi và tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tăng theo số lượng thuốc hút. Trên thế giới tỉ lệ mắc ung thư phổi tăng khá nhanh trong vòng 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư chính khác và tỉ lệ này cho thấy có sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng lên. Tỷ lệ ung thư phổi thấp ở những quần thể dân cư không phổ biến hút thuốc lá.

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, khoảng 87% trong số 177,000 ca mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác như: ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền. 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Giả định nguy cơ của những người không hút thuốc lá bị ung thư phổi là 1 thì nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tuỳ theo loại tế bào ung thư, nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào nhỏ ở những người hút thuốc tăng 5 đến 20 lần trong khi nguy cơ bị ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn tăng 2 đến 5 lần so với những người không hút thuốc.

Mức độ nguy cơ sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá, số lượng thuốc lá tiêu thụ hàng ngày và lứa tuổi lúc bắt đầu hút thuốc lá càng sớm càng nguy hiểm. Hút bao nhiêu thuốc thì tăng nguy cơ bị ung thư phổi? Người ta thấy rằng với bất kỳ lượng thuốc hút nào cũng gây tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Nói cách khác không có giới hạn dưới của của lượng thuốc hút cần thiết để gây ung thư phổi. Thời gian hút thuốc lá cũng rất quan trọng, thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn.

Những người không hút thuốc mà kết hôn với người hút thuốc, tỷ lệ chết vì ung thư phổi cao hơn 20% so với người kết hôn với người không hút thuốc và tỷ lệ chết vì ung thư phổi cũng tăng lên cùng với số lượng thuốc được hút bởi người vợ hoặc người chồng.

Chỉ khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau 5 năm. Tỉ lệ chết do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc cao gấp 22 lần so với nam giới không hút thuốc, còn ở nữ thì gấp khoảng 12 lần. Trong khi rất nhiều phụ nữ tin rằng ung thư vú là nguyên chính gây tử vong ở nữ thì đến năm 1988 ung thư phổi lại cao hơn nhiều so với ung thư vú trong các trường hợp tử vong ở phụ nữ.

Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi với chỉ số nguy cơ tương đối khoảng từ 1,2 đến 1,5. Khi đồng thời hút thuốc và có tiếp xúc với yếu tố độc hại khác thì nguy cơ gây ung thư phổi sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

2. Các loại ung thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ

Các loại ung thư các bộ phận thuộc đầu và cổ bao gồm ung thư thực quản, thanh quản, lưỡi, tuyến nước bọt, môi, miệng và họng. Những nguy cơ của các bệnh ung thư này sẽ tăng dần cùng với số lượng và thời gian hút thuốc. Hút thuốc lá và nghiện rượu là hai yếu tố mạnh nhất gây ung thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ. Nghiện rượu và các sản phẩm chế xuất từ thuốc lá cùng nhau tăng nguy cơ về lâu dài gây ung thư.

- Ung thư thực quản. Nguy cơ phát bệnh ung thư thực quản của người hút thuốc lớn hơn 8 tới 10 lần người không hút thuốc. Những nguy cơ này sẽ bị tăng thêm từ 25 tới 50 phần trăm nếu người hút thuốc sử dụng nhiều rượu.

- Ung thư thanh quản. Hút thuốc gây nên 80 % trong tổng số ung thư thanh quản. Người hút thuốc chịu nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản lớn hơn 12 lần so với người không hút thuốc.

- Ung thư miệng. Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu của các bệnh ung thư lưỡi, tuyến nước bọt, miệng và vòm họng. Những người nam giới hút thuốc có nguy cơ lớn gấp 27 lần phát triển các bệnh về ung thư miệng hơn những nam giới không hút thuốc.

- Ung thư mũi. Về lâu dài người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao gấp hai lần hơn người không hút thuốc trong phát bệnh ung thư mũi.

3. Ung thư thận và bàng quang

Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cả thận và bàng quang. Trong tổng số ca tử vong do ung thư bàng quang, thì ước tính khoảng 40 tới 70 % là vì sử dụng thuốc lá.

4. Ung thư tuyến tuỵ

Tuyến tuỵ là tuyến dễ bị ung thư vì khói thuốc vào cơ thể tới tuyến tuỵ qua máu và túi mật. Ước tính rằng thuốc lá là nguyên nhân của 30 % của tổng số ung thư tuyến tuỵ.

5. Ung thư bộ phận sinh dục

- Ung thư âm hộ: Ung thư âm hộ, là một phần của bộ phận sinh dục nữ thông thường hiếm gặp. Tuy nhiên phụ nữ mà hút thuốc có nguy cơ gấp đôi mắc ung thư âm hộ.

- Ung thư tử cung: Sự liên quan giữa hút thuốc và ung thư tử cung chỉ mới được phát hiện gần đây. Có ít nhất 12 nghiên cứu đã thấy phụ nữ hút thuốc có tăng nguy cơ bị ung thư tử cung và nguy cơ tăng cùng với số lượng và thời gian sử dụng thuốc.

- Ung thư dương vật: Ung thư dương vật đã trở nên ngày càng phổ biến ở nam giới hút thuốc hơn là những người nam không hút thuốc.

6. Ung thư hậu môn và đại trực tràng

- Ung thư hậu môn. Bằng chứng mới đây đã phát hiện ra hút thuốc lá đóng vai trò tác nhân gây ung thư hậu môn và đại trực tràng. Cũng trong một nghiên cứu diện rộng được tiến hành ở Mỹ, đối với nam và nữ những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng từ 75 tới 100 %…so với những người cùng lứa tuổi không hút thuốc.

B. Hút thuốc và các bệnh hô hấp


Hút thuốc là nguyên nhân được biết đến nhiều không những gây ung thư phổi mà nó còn gây ra nhiều bệnh phổi khác nữa. ở phần này chúng tôi sẽ điểm qua về ảnh hưởng của thuốc lá như thế nào đến chức năng phổi và sau đó sẽ tập trung chi tiết hơn vào những bệnh phổi hay gặp do hút thuốc.

1. Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi

Khi chúng ta hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm. Không khí hít vào sẽ đi qua khí quản để vào phổi. Trong mỗi phổi đều có một hệ thống phế quản, phế quản gốc như là nhánh chính của cây với các cành cây nhỏ là những phế quản, sau 17- 20 lần phân chia thành các tiểu phế quản tận, từ các tiểu phế quản đó sẽ dẫn đến các túi nhỏ chứa khí gọi là phế nang, nó giống như là chùm nho. ở phế nang quá trình trao đổi khí sẽ xảy ra. Máu sẽ đổi CO2 lấy O2 sau đó sẽ mang O2 đến các tổ chức của cơ thể.

Hệ thống hô hấp có một số hàng rào bảo vệ để chống lại các bệnh. Quá trình lọc ở đường hô hấp trên giúp ngăn chặn vi khuẩn, virus và các chất gây kích thích từ ngoài vào trong phổi. Khí quản và tổ chức phổi sản xuất ra chất nhầy giúp cho việc lấy và mang các chất bẩn ra ngoài. Hỗn hợp chất nhầy và chất tạp nhiễm sẽ được đưa ra ngoài nhờ các lông nhỏ li ti gọi là lông chuyển, những lông này lay động rất nhanh về phía trên, trong một số vùng tốc độ của lông chuyển rất cao tới 1.000 lần trong một phút.

Khi khói thuốc đi vào qua miệng thì người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất đó là quá trình lọc ở mũi. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt thậm chí bị phá huỷ. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và do vậy thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Những sự thay đổi cấu trúc phổi ở những người hút thuốc làm giảm khả năng lấy oxi của phổi. Khói thuốc gây phá huỷ phế nang làm giảm tính đàn hồi của phổi và làm giảm khả năng trao đổi oxi. Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch, điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm. Dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và ôxy cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khoẻ mạnh và chức năng bình thường của chúng.

Hút huốc cũng gây ra hiện tượng gọi là tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh huởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc, và do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở.

ở những người hút thuốc có nhiều thông số chức năng thông khí thay đổi, trong đó thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1) giảm rất nhiều.

Khói thuốc làm giảm sự phát triển của phổi và gây viêm tổ chức phổi ở trẻ nhỏ và thiếu niên biểu hiện bằng tốc độ tăng FEV1 chậm lại. ở lứa tuổi từ 20-30 khi hút thuốc thì tổn thương phổi lại khác. Khi ở giai đoạn này của cuộc sống thì phổi tăng trưởng kiểu cao nguyên. ở người hút thuốc giai đoạn phát triển này ngắn lại và làm các bệnh lý gây ra do hút thuốc sớm xuất hiện. ở lứa tuổi trên 30 nếu hút thuốc tốc độ giảm FEV1 sẽ tăng gấp đôi (khoảng 40 ml/năm) so với người không hút thuốc (khoảng 20 ml/năm). Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là thuật ngữ để chỉ những tổn thương ở phổi có liên quan đến sự tắc nghẽn đường thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn, được khẳng định chẩn đoán dựa vào đo hô hấp ký đồ với nghiệm pháp giãn phế quản không hồi phục hoàn toàn. Theo WHO, trên thế giới năm 2001 có khoảng 600 triệu người mắc BPTNMT. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới. Mối liên quan giữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hút thuốc cũng mạnh như với ung thư phổi. Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra BPTNMT, có 15% những người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng BPTNMT và 80%-90% người mắc BPTNMT là nghiện thuốc lá.

Hút thuốc lá làm cho các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này trở nên mạnh hơn. Đặc biệt những người hút thuốc lá bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút thuốc. Người hút thuốc có tỉ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc.

3. Bệnh Hen

Hen được đặc trưng bởi tính phản ứng quá mức của đường dẫn khí. Sự phản ứng quá mức này dẫn đến các cơn hen, bệnh nhân có thở khò khè, ho và/hoặc khó thở.

Hút thuốc không phải là nguyên nhân gây ra cơn hen nhưng nó làm cho tình trạng bệnh hen nặng lên. Những người bị hen hút thuốc sẽ có tăng tiết đờm, giảm cử động của lông chuyển phế quản, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, tăng giải phóng các chất dị ứng tác dụng nhanh và phá huỷ các đường dẫn khí nhỏ. Tỉ lệ tử vong ở người bị hen đang hoặc đã từng hút thuốc thì tăng gấp trên 2 lần so với những người không hút thuốc.

4. Nhiễm trùng đường hô hấp

Những người hút thuốc hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn những người không hút thuốc và thường bị nặng hơn. Trẻ em có bố mẹ hút thuốc lá bị bệnh đường hô hấp nhiều hơn trẻ em có bố mẹ không hút thuốc.

Những người hút thuốc không chỉ hay bị viêm phổi hơn mà còn bị tử vong nhiều hơn. Những phụ nữ có thai bị viêm phổi mà hút hơn 10 điếu thuốc/ngày, có tiên lượng xấu hơn những người không hút (chết mẹ- con,...).

Những người hút thuốc cũng hay bị cúm.Vaccin phòng cúm ít hiệu quả đối với người hút thuốc, và tỉ lệ tử vong do cúm ở những người hút thuốc cao hơn nhiều so với nhóm người không hút thuốc.

C. Hút thuốc và bệnh tim mạch

Từ năm 1940, người ta đã thấy có mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ bị bệnh tim mạch. Dù hút một vài điếu thuốc trong ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Mối liên quan chặt chẽ giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch không chỉ thấy ở cả 2 giới, trong lớp trẻ và người già mà còn thấy ở tất cả các chủng tộc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 2-3 lần và nó còn tương tác với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ lên gấp nhiều lần. Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ. Trong số đó bệnh mạch vành là quan trọng nhất, ước tính chiếm khoảng hơn một nửa trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc. Không có bằng chứng chứng minh rằng hút thuốc lá đầu lọc hay các loại khác nhau của thuốc lá làm giảm được yếu tố nguy cơ.

Các nghiên cứu về sinh lý bệnh đã xác định được cơ chế chung mà qua đó khói thuốc có thể gây nên bệnh tim mạch. Nhũng người hút thuốc có tăng nồng độ các sản phẩm oxy hoá bao gồm cả cholesterol LDL oxy hoá, và làm giảm nồng độ của cholesterol HDL, một yếu tố bảo vệ tim. Những yếu tố này cùng với các ảnh hưởng trực tiếp của CO2 và nicotine gây tổn thương nội mạch. Có thể thông qua những cơ chế này mà ở những người hút thuốc có tăng phản ứng của mạch máu. Sự giảm cung lượng của dòng máu mang oxi làm nguy cơ thiếu máu cơ tim tăng lên và tăng cả nguy cơ bị co thắt mạch vành. Hút thuốc cũng liên quan đến tăng nồng độ fibrinogen và tăng kết dính tiểu cầu.

1. Hút thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp

Khi hít khói thuốc vào sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Hút thuốc kích thích hệ thống thần kinh tự động của tim. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút.

Một tác động quan trọng khác là gây tăng huyết áp cấp tính. Trong một số nghiên cứu cho thấy rằng huyết áp trở về bình thường giữa các lần hút thuốc nhưng nếu hút nhiều lần trong ngày dẫn đến tăng huyết áp trung bình. Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp dao động. Trong khi tăng huyết áp có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, tăng huyết áp dao động thậm chí còn nguy hiểm đến tim hơn.

Hút thuốc còn làm giảm tác dụng điều trị tăng huyết áp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp. Một cơ chế mà hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc là do nó kích thích gan sản xuất ra enzym vào trong máu làm hạn chế tác dụng của thuốc.

2. Bệnh mạch vành:

Hút thuốc chủ động đã được biết chắc chắn là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, nhưng tiếp xúc với môi trường khói thuốc hay hút thuốc thụ động thì nguy cơ bị bệnh mạch vành tăng 20-30%. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành gấp 2-4 lần và tử vong nhiều hơn khoảng 70% do bệnh này.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành là do xơ vữa động mạch. Lớp nội mạch có thể bị phá huỷ do một số tác nhân sau: cao huyết áp, hoá chất độc (như các chất tìm thấy trong khói thuốc) và mỡ máu cao. Những hoá chất như hydrocarbon thơm đa vòng là chất gây ung thư có trong thuốc lá cũng có tác dụng gây hình thành mảng xơ vữa.

Hút thuốc là nguy cơ cao gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và tăng cholesterol máu. Khi phối hợp với các yếu tố nguy cơ này, hút thuốc tạo ra những ảnh hưởng rất lớn, lớn hơn nhiều so với cộng 2 yếu tố nguy cơ riêng rẽ lại.

Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim

Những người hút thuốc hay bị cả cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim nhiều hơn ở những người không hút thuốc. ở những người hút thuốc thì tuổi bắt đầu bị nhồi máu cơ tim sớm hơn, nguy cơ tái phát cơn nhồi máu trong một năm gấp 2 lần so với người không hút thuốc.

Khi so sánh với những người không bao giờ hút thuốc thì những người hút thuốc có nguy cơ bị co thắt mạch vành cao gấp 20 lần, thời gian bị cơn co thắt mạch vành kéo dài hơn và ở những mức gắng sức thấp hơn so với người không hút thuốc. Co thắt mạch vành có thể xảy ra sau khi chỉ hút một điếu thuốc.

Rối loạn nhịp tim và đột tử

Khói thuốc làm tăng tiết catecholamine, một hoạt chất tự nhiên trong cơ thể như adrenaline, có thể gây ra loạn nhịp tim nguy hiểm đến tính mạng là ngoại tâm thu thất và rung thất gây đột tử.

"Teo" tim tại thuốc (lá)

3. Phình động mạch chủ

Bất kỳ ai cũng có thể bị xơ vữa động mạch chủ, nhưng những người hút thuốc có nguy cơ cao các mảng xơ vữa đó lớn lên. Nhữnh mảng xơ vữa đó làm cho thành động mạch bị yếu đi và tạo thành chỗ phình, hoặc túi phình ở thành mạch. Những chỗ thành mạch yếu này có thể vỡ. ở những người hút thuốc thì tỉ lệ bị phình động mạch chủ nhiều gấp 8 lần và và tỉ lệ chết do vỡ phình mạch cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc.

4. Bệnh cơ tim

Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh cơ tim cao hơn so với người không hút thuốc. Khói thuốc gây bệnh bằng cách phá huỷ các động mạch nhỏ, hoặc có lẽ CO trong khói thuốc làm tổn thương trực tiếp cơ tim. Có thể hút thuốc còn làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm virus dẫn đến bệnh viêm cơ tim.

5. Bệnh mạch máu ngoại vi

Những người đang hút thuốc có nguy cơ bị bệnh mạch máu ngoại vi cao gấp 16 lần so với người chưa hút bao giờ. ở những người đã cai thuốc thì nguy cơ này cao gấp 7 lần so nhóm chưa hút bao giờ. Khoảng 76% bệnh nhân bị mạch máu ngoại vi là do hút thuốc. Bệnh máu ngoại vi thường gây đau, hạn chế vận động và có thể đe doạ tính mạng. Những bệnh nhân tiếp tục hút thuốc khi đang điều trị bệnh này thì hiệu quả điều trị rất kém.

D. Hút thuốc lá và sản phụ khoa

1. Tác hại của hút thuốc đối với sức khoẻ sinh sản của phụ nữ

Khói thuốc gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khoẻ sinh sản của phụ nữ với những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là tỉ lệ sinh đẻ ở phụ nữ hút thuốc thấp hơn khoảng 30% so với phụ nữ không hút thuốc. Có một số lý do giải thích tại sao những người hút thuốc hay bị vô sinh hơn.

Tổn thương các noãn bào

Hút thuốc gây tổn thương trực tiếp thậm chí phá huỷ noãn bào, do vậy gây vô sinh. Nicotine có tác dụng ngăn cản hình thành lớp bảo vệ được gọi là lớp vỏ. Lớp này có tác dụng ngăn không cho các tinh trùng khác xâm nhập vào trứng sau khi đã có một tinh trùng xâm nhập vào trong trứng, ngăn ngừa tình trạng đa tinh trùng. Những phôi có nhiều tinh trùng này dễ bị chết trong qúa trình phát triển hoặc sẩy thai tự phát.

Tiết hormon bất thường

ở phụ nữ hút thuốc gây thay đổi nồng độ một số hormon bao gồm hormon estrogen và hormon kích thích nang. Và sự phóng noãn của buồng trứng xảy ra không được bình thường ở người hút thuốc đó là nguyên nhân chính gây vô sinh.

Rối loạn chức năng ống Fallop

Hút thuốc làm tăng nồng độ của hormon epinephrine và/hoặc vasopressine, hai hormon này làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Đây là những chất bình thường trong cơ thể, nhưng khi những chất này được bài tiết quá nhiều ở phụ nữ hút thuốc chúng kích thích làm tăng sóng di động của vòi trứng làm cho phôi vào trong buồng tử cung sớm nên quá trình cấy phôi vào niêm mạc tử cung không xảy ra. Kết quả là phôi bị sảy tự phát. Ngược lại ở một số phụ nữ hút thuốc thì quá trình di chuyển ở ống lại chậm dẫn đến thai phát triển lạc chỗ ở trong vòi trứng hay ở vị trí khác ngoài tử cung. Tần suất chửa ngoài tử cung ở những người hút thuốc cao gấp 2,2- 4 lần so với người không hút thuốc. Hút thuốc còn làm giảm tình trạng miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng ở vòi trứng nhiều, gây nên vô sinh cao hơn ở người hút thuốc.

Sảy thai tự phát

ở những phụ nữ hút thuốc nguy cơ sẩy thai cao gấp 1,5-3,2 so với những người không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc bị sảy thai mỗi năm khoảng 19.000 đến 141.000 lượt.

Hạn chế hiệu quả điều trị vô sinh

ở những phụ nữ hút thuốc ngoài tỉ lệ vô sinh nhiều hơn mà còn kém hiệu quả trong điều trị vô sinh. Đặc biệt ở những bệnh nhân hút thuốc thì ít thành công hơn trong thụ tinh trong ống nghiệm và quá trình giao tử vận chuyển trong vòi trứng. Và với những phụ nữ có thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm thì hay bị sảy thai hơn.

Khói thuốc rất nguy hại đối với phụ nữ mang bầu! Lẽ nào vẫn còn những người vô cảm trước sức khỏe và sinh mạng trẻ em, khi cười cợt, thách thức và "hút lấy được" trước mặt những người phụ nữ ấy?

2. Biến chứng do thuốc lá ở phụ nữ có thai

- CO và nicotine là những chất chính gây ảnh hưởng xấu đến phôi thai.

- Hemoglobin ở người trưởng thành (thành phần chính chứa trong hồng cầu có tác dụng vận chuyển oxy đến các tổ chức) gắn với CO mạnh gấp 200 lần so với gắn O2, hemoglobin của phôi thai gắn với CO còn mạnh hơn. CO làm tổn thương khả năng vận chuyển O2 của phôi thai gây ra tình trạng thiếu oxy phôi thai ở người mẹ hút thuốc.

- Sự tăng nồng độ của epinephrine và các hoá chất khác của cơ thể do nicotine kích thích cũng có tác dụng làm giảm dòng máu đến phôi thai.

- Hút thuốc còn gây các tác hại xa cho thai nhi, nicotine có thể qua rau thai làm tăng huyết áp và ảnh hưởng tới khả năng của thai nhi thực hiện các cử động thở (tần số cử động thở là một chỉ số đánh giá tình trạng sức khoẻ của thai nhi).

- Bản thân rau thai cũng bị ảnh hưởng xấu bởi thuốc lá. Những phụ nữ hút thuốc hay bị bong rau non và rau tiền đạo gây chảy máu ở mẹ và chết ở thai nhi.

Vỡ ối sớm

ở những người hút thuốc hay gặp vỡ ối sớm hơn ở những người không hút thuốc. Một phụ nữ bị vỡ ối sớm có thể gây chuyển dạ, điều này rất nguy hiểm nếu như tuổi thai chưa đủ. Vỡ ối sớm rất nguy hiểm còn vì nó “mở cửa” cho vi khuẩn xâm nhập vào môi trường vô khuẩn của thai nhi gây nên tình trạng nhiễm trùng có thể đe doạ tính mạng của thai nhi.

Đẻ non

Theo Hội Sản phụ khoa Mỹ thì ở những thai phụ hút 1 bao/ngày thì tỉ lệ đẻ non cao hơn 20% so với phụ nữ không hút thuốc. Những trẻ đẻ quá sớm (dưới 37 tuần) thường hay gặp những biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.
3. Biến chứng về phụ khoa

Hút thuốc tác động lên cơ quan sinh sản của người phụ nữ cả khi mang thai và không mang thai; hậu quả nghiêm trọng của thuốc lá thường xuất hiện ở thời kỳ mãn kinh và gây mãn kinh sớm. Hút thuốc gây ra những tác hại này là do nó làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Hút thuốc gây mãn kinh sớm

Lý do chính dẫn đến mãn kinh sớm là do hút thuốc làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Tất cả các phụ nữ từ sau 40 tuổi thì estrogen giảm dần từ từ, sau đó giảm nhanh chóng ở thời kỳ mãn kinh. Hết kinh khi người phụ nữ không sản xuất đủ hormon để duy trì chu kỳ kinh nguyệt.

Như chúng ta đã biết estrogen giảm là một phần đời sống bình thường của người phụ nữ, nó cũng gây ra một số tác dụng không tốt. Điều đáng lưu ý nhất là estrogen bảo vệ người phụ nữ khỏi các bệnh tim mạch. Điều này giải thích tại sao người phụ nữ trước khi mạn kinh thì nguy cơ bị bệnh tim thấp hơn so với nam giới và tại sao nguy cơ phụ nữ bị bệnh tim mạch cao như nam giới nhanh chóng sau vài năm mãn kinh.

Estrogen còn có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh loãng xương, là tình trạng xương bị mỏng đi và rất dễ bị gẫy. ở những phụ nữ hút thuốc nguy cơ bị gẫy cột sống tăng gấp 3 lần và nguy cơ gẫy xương háng tăng gấp 2 lần.

Theo một số nghiên cứu thì phụ nữ hút thuốc mãn kinh sớm hơn phụ nữ không hút thuốc trung bình là 1,74 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do một số lý do sau: thứ nhất là nicotine tác dụng vào hệ thống thần kinh trung ương theo một số con đường ảnh hưỏng đến bài tiết các hormon có liên quan đến mãn kinh. Thứ 2 là một số chất trong thuốc lá tác động đến gan làm giải phóng ra các hormon làm tăng phân huỷ estrogen. Cơ chế sau xảy ra ở cả những phụ nữ nghiện không nặng. Những phụ nữ điều trị bằng hormon estrogen thay thế thì hút thuốc làm tăng tỉ lệ thuốc bị phân huỷ. Tuy nhiên các nhà chuyên gia không khuyên rằng những người hút thuốc nên dùng liều cao hơn để bù lại. Các nhà nghiên cứu khác lại thấy rằng hút thuốc làm tăng hoạt động của tuyến thượng thận. Sau đó tuyến này sản xuất ra nhiều hơn hormon nam làm cho mãn kinh đến sớm.

Giả thiết khác về nguyên nhân gây mãn kinh sớm ở người hút thuốc là do các chất có trong thuốc lá gọi là hydrocarbon thơm đa vòng phá huỷ trứng (noãn) ở buồng trứng, do đó làm mãn kinh sớm. Hút thuốc có thể làm tăng tần xuất của các cơn nóng bừng thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, điều này đặc biệt đúng ở phụ nữ gầy.

E. Tác hại của hút thuốc đối với thai nhi và trẻ sơ sinh

1. Thai chết lưu, chậm phát triển trong tử cung và trọng lượng khi sinh thấp

Hút thuốc làm tăng nguy cơ thai chết lưu do hút thuốc gây các biến chứng ở rau thai và hút thuốc làm thai nhi phát triển chậm trong tử cung. ở những người hút thuốc thì nguy cơ đẻ trẻ ít cân cao gấp 3,4-4 lần. Những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ hút thuốc nhẹ cân hơn so với con của những bà mẹ không hút thuốc trung bình khoảng 170-200 gam do những đứa trẻ này phát triển chưa được đầy đủ. Trọng lượng khi sinh thấp là một yếu tố nguy cơ quan trọng cho sức khoẻ trẻ mới sinh và thậm chí còn gây những biến chứng muộn sau này.

Hút thuốc làm thiếu oxy, giảm dòng máu đến tử cung, giảm vận chuyển các axit amin qua rau thai và làm giảm kẽm (một chất khoáng quan trọng trong quá trình phát triển).

2. Tăng nguy cơ truyền HIV cho thai nhi

Những thai phụ có HIV dương tính thì có thê lây sang cho con, nhưng ở những phụ nữ có hút thuốc thì tỉ lệ này cao hơn. Theo một nghiên cứu ở những bà mẹ có HIV dương tính thì thấy ở những người hút thuốc thì tỷ lệ cao gấp 3,3 lần so với người không hút thuốc.

3. Dị tật bẩm sinh

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở những thai phụ hút thuốc trên 1bao/ngày khi mang thai thì nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao gấp 1,6 - 2,3 lần so với người không hút thuốc.

4. Tình trạng dị ứng

Các bà mẹ hút thuốc khi mang thai làm cho con của họ có nguy cơ bị dị ứng cao gấp 3 lần so với con của các bà mẹ không hút thuốc.

5. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Khoảng 30% những trường hợp chết đột ngột ở trẻ sơ sinh có thể phòng bằng cách cha mẹ chúng bỏ thuốc.

6. Ảnh hưởng đến trí tuệ của thế hệ sau

Người mẹ hút thuốc lá khi mang thai còn ảnh hưởng lâu dài sau khi sinh. Con của những người hút thuốc thường có khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập ở trường. Các nhà nghiên cứu cho rằng các ảnh hưởng đó là do thuốc lá gây giải phóng vào trong máu những chất làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương. Sự giảm ôxy cũng có vai trò gây tình trạng này. Các nghiên cứu gần đây thấy rằng ở những đứa con của những người có hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì tỉ lệ chậm phát triển trí tuệ tăng hơn 50 % so với người không hút thuốc và tăng 70 % ở những người hút từ 1 bao/ngày trở lên.

F. Tác hại của hút thuốc đối với trẻ em

1. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới


Trẻ em hút thuốc thụ động có nguy cơ lớn bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bao gồm viêm phế quản và viêm phổi. Các chuyên gia ước tính rằng mỗi năm khoảng 150.000-300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến ETS. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Thêm vào đó, con của những người hút thuốc bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con người không hút thuốc.

2. Tỷ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen

Người cha hút thuốc và đặc biệt là người mẹ hút thuốc cũng làm tăng tỉ lệ mắc và mức độ nặng của hen. Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn, và nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Trên toàn thế giới có khoảng từ 200.000-1 triệu trẻ em bị hen đang phải chịu những tác động xấu do cha mẹ chúng hút thuốc.

3. Viêm tai giữa cấp và mạn

Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây nên gánh nặng về kinh tế mà còn gây điếc cho những cuộc đời còn dài của những đứa trẻ. Điếc khi trẻ còn rất nhỏ rất dễ gây nên câm và không có khả năng học tập.

4. Các bệnh đường hô hấp khác

Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Những trẻ có tiếp xúc với ETS cũng phải nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn.

5. ảnh hưởng cơ tim

Hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ thống cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, và làm tăng nhịp tim từ từ liên tục.

6. Bệnh đường ruột

- Hút thuốc thụ động ở trẻ em gây tăng nguy cơ phát triển bệnh Crohn gấp 5,3 lần.

- Cũng có mối liên quan giữa hút thuốc khi mang thai với bệnh Crohn, nhưng không chặt chẽ bằng hút thuốc thụ động ở trẻ sơ sinh.

- Hút thuốc thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây các loại bệnh đường ruột mạn tính khác, viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc.

G. Hút thuốc và khả năng sinh sản, rối loạn tình dục ở nam giới

Hút thuốc làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và nguy hiểm hơn là hút thuốc làm giảm nghiêm trọng dòng máu đến dương vật, một số trường hợp gây liệt dương.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân quan trọng gây bất lực-yếu sinh lý!

Hút thuốc ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản ở nam giới như thế nào?

- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất chuyển hoá chính của khói thuốc (là những chất trong khói thuốc được hít vào rồi chuyển hoá trong cơ thể) được tìm thấy trong tinh dịch. Thậm chí một số chất còn tập trung tại đây (cotinine, trans 3 hydroxycotinin).

- Các thành phần của thuốc lá tìm thấy trong tinh dịch có những chất có thể kìm hãm sự hoạt động của hệ thống enzym choline acetyltransferase, enzym này cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động được.

- Nam giới hút thuốc so với những người không hút thuốc thì có nồng độ testosterone thấp (hormon này cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng) và làm tăng nồng độ horrmon kích thích nang (hormon nữ hoá).

- Hút thuốc làm giảm số lượng tinh dịch: tuỳ thuộc vào lượng thuốc hút mà những ngưòi hút thuốc số lượng tinh trùng giảm nhiều hay ít (với những người nghiện thuốc càng nặng thì điều này càng rõ). hút thuốc gây nên viêm hệ thống sinh dục làm tinh trùng khó xâm nhập vào trứng.

- Hút thuốc làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng, giảm số lượng tinh trùng, giảm chất lượng của tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng gây vô sinh. Hút thuốc làm thay đổi hình dạng của tinh trùng: không phải có nhiều bằng chứng cho thấy hút thuốc làm tăng tỉ lệ phần trăm số tinh trùng bị thay đổi hình dạng. Điều này có thể liên quan đến tỉ lệ cao bị sảy thai, dị tật bẩm sinh.

- Hút thuốc gây liệt dương: Những người hút thuốc có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần, do gây xơ vữa động mạch ở dương vật làm giảm tưới máu mà chúng ta gọi là liệt dương do mạch máu. 82% - 97% nam giới có liệt dương do mạch máu có hút thuốc. ở những nam giới hút thuốc lâu thì nguy cơ bị liệt dương do mạch máu cao hơn, ở những người nghiện thuốc nặng thì nguy cơ đó còn cao hơn nữa.

- Ngoài liệt dương do xơ vữa mạch, hút thuốc còn dẫn đến liệt dương do co mạch (làm giảm dòng chảy do động mạch bị co hẹp lại), chỉ cần hút 2 điếu thuốc có thể gây ra co thắt động mạch dương vật cấp.

- Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, sinh dục ở nam giới mà nó còn gây ung thư bàng quang. Người ta không xác định được hút thuốc gây ung thư tiền liệt tuyến nhưng người ta thấy ở người ung thư tiền liệt tuyến mà hút thuốc thì sự xâm nhập và di căn của nó tăng lên.

Sunday, October 18, 2015

Mẹo cai thuốc lá thành công

Nên bắt đầu cai thuốc lá trong một ngày nghỉ, không phải làm việc căng thẳng và suy nghĩ nhiều, nhưng có thể bận rộn những việc thông thường.

Để thành công trong việc từ bỏ thuốc lá, bạn cần có một kế hoạch cụ thể, vạch rõ từng bước để thực hiện theo nhằm tránh tặc lưỡi, ngã lòng. Sau đây là một phương pháp cai thuốc do Chương trình Hợp tác Y tế Việt Nam Thuỵ Điển cung cấp:

Chuẩn bị cai thuốc (kéo dài 5 ngày)

Ngày 1: Liệt kê các lý do cai thuốc (nghĩ hoặc viết ra giấy) như hại sức khoẻ bản thân và gia đình, tốn tiền, bị vợ và người khác phàn nàn, làm gương xấu cho con.
Tuyên bố với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp là sẽ bỏ thuốc và đề nghị hỗ trợ. Dừng mua thuốc lá.

Ngày 2: Suy nghĩ xem mình thường hút thuốc lúc nào (buồn, căng thẳng, thèm thuốc, vui, bạn bè rủ rê) và những gì có thể dùng thay thế điếu thuốc (tăm xỉa răng sau bữa ăn, hạt dưa, kẹo cao su, đi bộ…).
Ngày 3: Nghĩ xem có thể nói chuyện với ai khi thấy “trống trải”, như bạn bè (tốt nhất là người đã cai thuốc), người yêu, vợ con, đồng nghiệp. Nghĩ về số tiền tiết kiệm được do không phải mua thuốc lá.

Ngày 4: Nghĩ đến các cách vượt qua cơn thèm thuốc (biểu hiện là chóng mặt, nhức đầu, dễ cáu, bồn chồn, khó tập trung) như: Uống nhiều nước, hít thở sâu, không ngồi lại bàn ăn lâu, đánh răng, đi bộ, ăn hạt dưa, chơi thể thao, nói chuyện với người khác, trì hoãn, đếm đến 100 hoặc nhẩm bài thơ, bài hát yêu thích…

Ngày 5: Mua một số thứ thay thế thuốc lá như hạt dưa, kẹo cao su, tăm. Loại bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc. Giặt quần áo để không còn mùi thuốc. Buổi tối, hút điếu cuối cùng để “chia tay kẻ thù”. Tự động viên bản thân lần nữa: Cai thuốc là rất đúng, mình có thể làm được.

Thực hiện cai thuốc

Ngày đầu tiên: Sáng dậy, nhắc lại với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp rằng hôm nay là ngày bạn bỏ thuốc lá. Tạo công việc bận rộn nhưng không căng thẳng. Không uống rượu, cà phê hoặc những thứ bạn hay dùng kèm thuốc lá.

Tuần tuần tiên: Cố sử dụng các kỹ thuật để vượt qua từng ngày một. Hãy tính mỗi ngày là một thách thức, đã vượt qua ngày đầu tại sao lại không tiếp tục ngày thứ hai. Các cơn thèm thuốc sẽ giảm sau một tuần.
Tuần 2-6: Luôn tự nhủ là mình đã quyết tâm bỏ thuốc. Tránh tặc lưỡi rằng hút lại một điếu cũng không sao. Chỉ một hơi thuốc thôi cũng khiến công sức của bạn đổ sông đổ biển. Nên tự cảnh giác khi dự những buổi tiệc có bia rượu, hay những khi căng thẳng (căng thẳng không liên quan gì đến thuốc lá, hãy nghĩ xem bạn sẽ phải khổ sở thế nào khi phải cai lại từ đầu).

Vượt qua tuần thứ 6, bạn đã bỏ thuốc thành công.

Cách vượt qua những ngày đầu bỏ thuốc lá

Khi bạn đã sẵn sàng bỏ thuốc lá, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong những ngày đầu. Phải làm gì để cai thuốc hiệu quả?
Dưới đây là những chiến lược đã được chứng minh về hiệu quả hỗ trợ cai thuốc lá.

1. Nhấm nháp nước lạnh và ăn các bữa ăn nhỏ

Nhấm nháp nước lạnh có thể giúp thay thế hành vi hút thuốc lá. Nghiên cứu mới cho thấy, nhấm nháp nước lạnh qua một ống hút sẽ kích thích não bộ giải phóng dopamine, một chất tạo cảm giác thoải mái, giúp giảm bớt tâm trạng tiêu cực khi bạn đang cơn thèm thuốc lá.

Uống nước lạnh sẽ kích thích não bộ giải phóng dopamine, một chất tạo cảm giác thoải mái.

Ăn những bữa ăn nhỏ cũng có thể giúp bạn vượt qua cơn thèm thuốc lá. Hãy chọn các thực phẩm lành mạnh để tránh bị tăng cân.

2. Tận hưởng những lợi ích khi bạn bỏ thuốc lá

Bạn không cần chờ đợi lâu để bắt đầu tận hưởng những lợi ích của một cuộc sống không có khói thuốc. Hãy tạo một danh sách về những lợi ích mà bạn có được từ khi bắt đầu bỏ thuốc lá như: không còn khạc đờm nhiều đặc biệt vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, tiết kiệm tiền, ngửi tốt hơn, ăn uống ngon miệng hơn, cảm thấy khỏe hơn… Khi bạn lên cơn thèm thuốc, hãy nghĩ đến danh sách những lợi ích mà bạn đã và sẽ được tận hưởng để ngăn chặn cơn thèm thuốc.

3. Đánh răng thường xuyên

Một trong những lợi ích trước mắt của việc đánh răng thường xuyên là vị giác của bạn tốt hơn và hơi thở có mùi thơm tho hơn. Đánh răng thường xuyên sẽ giúp bạn giảm ham muốn hút thuốc, thêm vào đó răng của bạn cũng sẽ không bị xỉn màu, các vấn đề sức khỏe về nướu và lợi cũng giảm hẳn.

4. Tránh rượu bia

Uống rượu là một trong những lý do phổ biến khiến hầu hết những người cai thuốc thất bại. Khi uống rượu, dưới tác động của các chất kích thích lên não bộ có thể làm phá vỡ sự kiềm chế, khiến bạn dễ dàng bỏ cam kết cai thuốc lá của mình. Thêm vào đó việc uống rượu thường đi kèm với hành vi hút thuốc lá ở hầu hết những người hút thuốc. Vì thế, rượu như một chất kích hoạt khiến bạn thèm thuốc lá. Do đó, nếu bạn muốn cai thuốc lá, hãy tránh uống rượu bia.

5. Hãy đến những nơi không có khói thuốc

Khi bạn lên cơn thèm thuốc, hãy đi đến một nơi mà bạn không được phép hút thuốc như: rạp chiếu phim, thư viện hay cửa hàng, siêu thị. Càng mất tập trung, bạn càng dễ dàng vượt qua cơn thèm thuốc.

6. Tham gia các hoạt động thể chất

Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên giúp bạn vượt qua cơn thèm thuốc một cách dễ dàng. Hoạt động thể chất sẽ khiến bạn phân tâm và không còn để ý đến cơn thèm thuốc lá. Thêm vào đó, nó còn kích thích não bộ và cơ thế sản sinh ra các chất morphin nội sinh, giúp bạn thoải mái hơn, giải tỏa căng thẳng. Nếu bạn không có thời gian để đến các câu lạc bộ, trung tâm thể thao thì đi bộ là một trong các bài tập đơn giản nhất và có hiệu quả rất tốt trong việc rèn luyện cơ bắp. Đặc biệt, trong vài tuần đầu tiên sau khi cai thuốc, bạn hãy dành thời gian để vận động cơ thể mỗi ngày.

Hoạt động thể chất sẽ khiến bạn nhanh chóng quên đi cơn thèm thuốc.

7. Liệt kê lý do khiến bạn bỏ thuốc

Hãy viết ra một danh sách của tất cả các lý do khiến bạn từ bỏ thuốc lá. Sao làm nhiều bản và dán ở những nơi bạn thường xuyên lui tới như: bàn làm việc tại văn phòng, trong phòng ngủ, trên cánh tủ lạnh trong nhà bếp, bàn trà, cạnh gương trong nhà tắm… Một số người đã từng hút thuốc lá chia sẻ cách có hiệu quả nhất đối với họ là đặt danh sách này bên cạnh những tấm hình của những người thân yêu trong gia đình. Điều này là một động lực giúp họ bỏ thuốc.

8. Đánh dấu lịch của bạn

Trong vài tuần đầu tiên bỏ thuốc lá, hãy chắc chắn rằng lịch làm việc của bạn được lấp đầy bởi những thứ bạn muốn làm hoặc cần làm. Hãy lên kế hoạch để đi chơi, ăn uống cùng với gia đình hoặc bạn bè. Hãy cố gắng tránh xa những cám dỗ khiến bạn muốn hút thuốc. Hãy thực hiện những việc bạn muốn làm, những hoạt động bạn yêu thích. Càng bận rộn, bạn càng dễ dàng phân tâm và vượt qua cơn thèm thuốc một cách nhẹ nhàng.

9. Đặt cái gì khác trong miệng của bạn

Khi bạn muốn hút một điếu thuốc lá, hãy đặt một thứ gì khác trong miệng như: nhai kẹo cao su, kẹo cứng hoặc ăn một món ăn cho đến khi bạn không còn muốn hút thuốc nữa. Hãy chắc chắn luôn có đồ ăn ở bên cạnh khi bạn có cơn thèm thuốc. Nếu bạn lo lắng về việc tăng cân, hãy lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, không đường.

10. Hãy tìm một người hỗ trợ

Hãy thông báo việc bạn muốn từ bỏ thuốc lá cho những người bạn thân của bạn và nhờ sự trợ giúp của họ khi bạn trong giai đoạn khó khăn. Sự lựa chọn tốt nhất là một người bạn đã từng hút thuốc và bỏ thuốc thành công.

11. Hạn chế Caffeine

Caffeine giúp bạn tỉnh táo vào buổi sáng hoặc khi mệt mỏi. Tuy nhiên, caffeine có thể làm cho một số người cảm thấy căng thẳng, bồn chồn. Những ảnh hưởng này có thể tăng lên khi bạn đang trong giai đoạn cai nghiện thuốc lá. Nếu caffeine có ảnh hưởng tiêu cực đến bạn, hãy thử hạn chế để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.

12. Hãy cảnh giác với tâm trạng xấu

Các cảm xúc tiêu cực như: trầm cảm, tức giận, thất vọng – là một trong những lý do phổ biến khiến mọi người hút thuốc trở lại. Tâm trạng xấu có thể xảy ra với tất cả mọi người. Và rất có thể bạn sẽ phải trải qua những cảm xúc tiêu cực này trong vài tuần đầu tiên bỏ thuốc. Hãy tham gia các hoạt động cùng với bạn bè hoặc bất kỳ hoạt động nào mà bạn thích, những việc làm này sẽ cải thiện tâm trạng của bạn khiến bạn phân tâm hơn và ít muốn hút thuốc lá hơn.

13. Tránh gây rối

Mặc dù bạn cần được bạn bè và gia đình hỗ trợ để bỏ thuốc, nhưng không phải tất cả họ đều đồng ý. Thậm chí, một số người còn làm lung lay ý định bỏ thuốc lá và những nỗ lực của bạn trong việc bỏ thuốc. Nếu bạn gặp những người như thế, hãy tránh gặp mặt họ. Nếu đó là điều không thể, hãy giải thích lý do và nói cho họ hiểu việc bỏ thuốc lá quan trọng với bạn như thế nào, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ từ họ.

14. Hãy kiên nhẫn

Khi bạn vượt qua được hai tuần đầu tiên, bạn đã có hy vọng bỏ thuốc thành công. Nhưng nếu bạn vẫn gặp một vài rắc rối thì không có nghĩa là bạn sẽ thất bại. Hãy phân tích những lý do khiến bạn còn gặp trở ngại và tìm cách giải quyết để các vấn đề tương tự không còn xảy ra một lần nữa.